Vai trò, mục tiêu và tư tưởng của chương trình giáo dục phổ thông mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Vai trò

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông đóng vai trò như một văn bản "thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông". Nó cũng được coi là một "cam kết" của nhà nước Việt Nam nhằm "bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông".[3]

Mục tiêu

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu chung là:[3]

Cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Ở mỗi cấp học, chương trình giáo dục phổ thông mới còn đảm bảo cho người học đạt được những mục tiêu giáo dục nhất định. Với bậc tiểu học, chương trình giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển ban đầu về phẩm chất và năng lực, tập trung vào những giá trị gần gũi, thiết thực bên cạnh người học như quê hương, gia đình, làng xóm cũng như những thói quen, nề nếp sinh hoạt khác; đối với cấp trung học cơ sở, chương trình hỗ trợ học sinh tiếp tục phát triển những năng lực, phẩm chất đã có từ cấp học trước đó, đồng thời giáo dục cho người học cách tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội. Riêng cấp trung học phổ thông, người học sẽ được phát triển thêm những năng lực, phẩm chất và hoàn thiện ý thức của một người công dân, định hướng năng lực nghề nghiệp để tham gia vào cuộc sống sau này.[20]

Tư tưởng

Chương trình giáo dục phổ thông mới gắn liền với hoạt động trải nghiệm và ưu tiên giúp người học phát huy, vận dụng những kĩ năng đã học vào thực tiễn đời sống hàng ngày.

Tư tưởng của chương trình giáo dục phổ thông mới được cho là gắn liền với nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 1 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Theo đó, xác định mục tiêu chính là giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Ngoài ra, chương trình còn đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chú trọng về mặt kiến thức. Song song đó, kết hợp hài hòa giữa dạy người, dạy chữ với dạy nghề.[21] Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng hướng tới giáo dục theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, tăng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn.[22]

Trên tinh thần của nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 1 năm 2013, chương trình giáo dục phổ thông mới ưu tiên xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học thấp và dần phân hóa khi người học tiến đến các lớp học cao hơn, đồng thời giảm tải số lượng môn học bắt buộc và tăng số môn học tự chọn.[23] Chương trình mới cũng đề cao vai trò chủ thể người học, phát huy những giá trị tích cực vốn có của người học để họ có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá của mình, từ đó rèn luyện kỹ năng vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, qua đó khắc phục đường hướng giáo dục thụ động, áp đặt, máy móc, đảm bảo vận dụng những phương pháp giáo dục mới vào từng đối tượng giáo dục khác nhau.[24]

Một trong những quan điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm tính thống nhất với người học trên toàn quốc. Chương trình cũng đảm bảo trao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục địa phương trong việc lựa chọn và triển khai các nội dung giáo dục theo điều kiện của địa phương đó, nhằm bảo đảm tính liên kết giữa nhà trường, gia đình, chính quyền cùng với xã hội. Song, chương trình chỉ quy định những nguyên tắc chung về phẩm chất và năng lực cho người học, cũng như những nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và quá trình đánh giá kết quả giáo dục chứ không quy định quá chi tiết. Điều này tạo điều kiện những nhà biên soạn sách và người dạy phát huy được tính chủ động của họ.[25][26]

Từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dựa trên mô hình giáo dục của Colombia.[27] Dù sau đó mô hình này được đánh giá là đã thất bại,[28][29] nhưng nó vẫn có tác động không nhỏ đến việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, đối với mô hình VNEN, 5 quá trình giảng dạy và học tập chủ yếu trên lớp của giáo viên và học sinh là khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng thì đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, trừ hoạt động "hình thành kiến thức" được đổi tên thành "khám phá kiến thức", 4 hoạt động còn lại vẫn được giữ nguyên. Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, một số môn học của chương trình mới cũng được giữ nguyên tên gọi so với chương trình VNEN.[30] Ngoài ra, sách giáo khoa biên soạn theo chương trình VNEN cũng được thay đổi, tinh chỉnh để hoàn thiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới.[31]

Chương trình giáo dục phổ thông mới chịu ảnh hưởng lớn từ mô hình giáo dục STEM, cấu thành từ bốn ngành học: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học)

Chương trình giáo dục phổ thông mới được cho là kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng của chương trình giáo dục hiện hành bao gồm "học đi đôi với hành", "lý luận gắn liền với thực tiễn", "giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội".[32][33] Bên cạnh đó, chương trình còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ triết lý giáo dục "học để biết – học để làm – học để chung sống – học để tự khẳng định mình" do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đề xướng, nhưng có sự phát triển hơn. Theo đó, "học để biết" không chỉ có nghĩa là tiếp thu kiến thức mà còn là "biết cách học để tự học suốt đời"; trong khi đó, "học để làm" gắn liền với tư tưởng "thực học, thực nghiệp" của nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013. Đối với triết lý "học để tự khẳng định mình", chương trình mới chủ trương tạo môi trường học tập thân thiện giúp người học tự phát hiện năng lực của mình, để họ có thể tự rèn luyện và trưởng thành.[34][35] Ngoài việc chú trọng tới đặc điểm văn hóa, con người Việt Nam cùng các giá trị truyền thống của dân tộc, cũng như định hướng giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, chương trình giáo dục phổ thông mới còn tạo cơ hội cho người học bình đẳng với nhau về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và tham gia; từ đó đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, bền vững và phồn vinh.[36]

Bên cạnh những tư tưởng nền móng chủ đạo, chương trình giáo dục phổ thông mới còn chịu ảnh hưởng từ mô hình giáo dục STEM.[37] Đây là mô hình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (mathematics) dưới hình thức tiếp cận liên môn (interdisciplinary).[38] Chương trình giáo dục phổ thông mới ưu tiên quán triệt giáo dục mô hình STEM theo cách quan tâm tới vai trò, vị trí và sự phối hợp giữa các môn học STEM trong chương trình giảng dạy. Giáo viên được giao nhiệm vụ thể hiện mô hình STEM thông qua những hoạt động dạy học trên lớp của mình, từ đó kết nối kiến thức trong môi trường giáo dục với xã hội nhằm nâng cao hứng thú và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.[39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 //doi.org/10.15625%2F2615-8957%2F12220114 http://daidoanket.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-tho... http://daidoanket.vn/hang-tram-lua-chon-to-hop-mon... http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-4... http://vjes.vnies.edu.vn/vi/thuc-trang-quan-li-thu... http://grep.moet.gov.vn/ https://www.youtube.com/watch?v=M3Iji46HJ-4 https://www.youtube.com/watch?v=bCB1v3A7unY https://www.youtube.com/watch?v=pCNN--qNvr0 https://cvdvn.net/2017/12/28/viet-nam-hoc-duoc-gi-...